BrSE (Bridge System Engineer) là người đóng vai trò kết nối giữa khách hàng và project team, họ giúp cho quá trình trao đổi giữa bên khách hàng và project team được thực hiện một cách thuận lợi giúp bàn giao dự án thành công, đem lại sự hài lòng đến với khách hàng. Trong thời gian làm việc tại NTQ Japan, anh Nguyễn Văn Hiệp đã thực sự gây ấn tượng với nhiều đối tác lớn về thành tích xuất sắc của mình dù đây là lần đầu anh đảm nhận vị trí Kỹ sư cầu nối.
Trong quá trình làm quen với vai trò BrSE, thách thức lớn nhất mà anh gặp phải lại chính là vấn đề quản lý thời gian. Anh chia sẻ: “Thời điểm nhận dự án của A, mình cũng đang làm việc với một khách hàng khác ở Việt Nam. Đó là quãng thời gian đầy thách thức và thực sự là mình có gặp chút khó khăn trong việc quản lý thời gian với cả 2 bên khách hàng. “Lợi dụng” sự chênh lệch múi giờ giữa Việt Nam và Nhật Bản, mình đã có thể chủ động xử lý công việc vào chiều tối, nhân lúc các bạn bên Việt Nam vẫn còn trong giờ làm việc. Ngoài ra thì mình cũng đánh giá và sắp xếp các đầu mục công việc với khách hàng hiện tại theo thứ tự ưu tiên để hoàn thành và báo cáo đúng hạn”.
Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu cùng với những thách thức về mặt thời gian, anh Hiệp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhận về những đánh giá vô cùng tích cực từ phía khách hàng. Theo đó, khách hàng đánh giá cao việc anh Hiệp không chỉ đứng trên vị trí của 1 kỹ sư mà luôn ý thức đưa ra những ý kiến từ góc độ người sử dụng, từ đó đề xuất và phát triển hệ thống, phần mềm.
Đánh giá về vai trò của anh Hiệp trong dự án, anh Phạm Văn Thành - DM (Delivery manager) cho biết: “Anh rất yên tâm khi có Hiệp tham gia vào dự án. Hiệp quán xuyến công việc tốt, chịu khó review sản phẩm chỉn chu, bàn giao cho khách hàng đúng hạn với chất lượng tốt. Thực sự đối với dự án này, effort thực tế của Hiệp còn nhiều hơn là effort ghi nhận nữa”.
Với tâm niệm không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng, sau mỗi một dự án, anh luôn tự rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm quý báu. Anh chia sẻ: “Có lẽ chúng ta cần lưu tâm đến cách làm việc, trình bày nội dung sao cho hợp lý ứng với từng giai đoạn của dự án. Cần cải thiện cách làm việc sao cho ngay từ lần đầu khách hàng đã có cảm giác an tâm tin tưởng, chứ nhiều khi có năng lực mà không thể hiện được ngay cũng khó nhận được dự án”.
Hơn thế nữa, anh cũng nhấn mạnh về sự tự tin mà mỗi Kỹ sư cầu nối cần gây dựng lòng tin từ khách hàng cũng như từ đội offshore, từ đó tạo sự đồng điệu và hoàn thành trôi chảy dự án.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Hiệp cho biết rất mong muốn được tiếp tục tham gia vào những công việc của giai đoạn upstream và sẽ không ngừng học hỏi, nâng cao các kĩ năng của bản thân. Ngoài ra, trong cuộc sống cá nhân, bản thân anh cũng có ý định đi học lái xe để phục vụ cho công việc và cuộc sống thường nhật của mình.
Có thể nói, bất cứ “lần đầu tiên” nào đối với chúng ta cũng sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu. Thế nhưng quan trọng là chúng ta dám nghĩ, dám làm, không ngừng nỗ lực cải thiện và đồng hành cùng nhau, thì dù là khó khăn mấy đi chăng nữa, chúng ta đều có căn cứ để hy vọng về kết quả tốt đẹp của dự án.