Năm 2021 chứng kiến sự ứng dụng rộng rãi của những công nghệ mới vào đời sống để cung cấp cho người dùng những tiện ích cần thiết trong khoảng thời gian dịch Covid diễn biến phức tạp. Vậy thì trong năm 2022, xu hướng về công nghệ sẽ thay đổi như thế nào?
1. Tự động hóa
Công nghệ tự động hóa đã và đang gắn bó chặt chẽ với cuộc sống hàng ngày của con người. Nhờ việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào trong quá trình sản xuất, các máy móc dần trở nên thông minh hơn và có thể tự động xử lý các phần công việc do con người đảm nhiệm, từ đó dần dần thay thế được sức lao động của con người. Bạn có thể thấy công nghệ tự động hóa ở khắp mọi nơi, từ những dây chuyền sản xuất tự động, các phương tiện tự lái cho đến những thiết bị nội thất thông minh như hệ thống thông báo cho ngôi nhà, rô bốt lau sàn tự động,… Theo dự đoán, khoảng một nửa tổng số công việc hiện tại có thể được tự động hóa trong vài thập kỷ tới khi quá trình tự động hóa cao cấp hơn kết hợp với quá trình ảo hóa (virtualization) trở nên phổ biến rộng rãi.
2. Metaverse
Được phổ biến bởi Snow Crash, một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng ra mắt vào năm 1992 của Neal Stephenson, thuật ngữ Metaverse đề cập tới một tập hợp thế giới ảo dùng để hỗ trợ các công cụ thực tế ảo VR (Virtual Reality) hay thực tế ảo tăng cường AR (Augmented Reality), hoặc thậm chí là cả MR (Mixed Reality, kết hợp giữa VR và AR). Mọi người có thể đi chơi với bạn bè, làm việc, thăm thú các địa điểm, mua hàng hóa, dịch vụ và tham dự các sự kiện thông qua Metaverse.
Metaverse có thể biến các thế giới trực tuyến khác nhau thành một thực thể liền mạch và duy nhất. Nó thậm chí còn được mệnh danh là sự phát triển tiếp theo của Internet. Chính vì vậy, các ông lớn trong mảng công nghệ không ngại đầu tư cũng như có những bước đi quan trọng trong việc thiết lập Metaverse. Vào năm 2021, CEO của các công ty công nghệ từ Microsoft đến Match Group đã thảo luận về vai trò của họ trong việc xây dựng Metaverse. Vào tháng 10 năm 2021, Facebook tự đổi tên thành Meta để nhấn mạnh trọng tâm Metaverse mới của mình. Ngoài ra, công nghệ Metaverse này cũng được nhận định sẽ là một thế giới tương lai, mang đến sự đổi mới về công nghệ kĩ thuật và thay đổi cách sống, làm việc của con người.
3. Blockchain
Blockchain và các công nghệ sổ cái phân tán (DLT) đang dần thay đổi bản chất của các hoạt động kinh doanh đang diễn ra trong thời buổi hiện nay. Những công nghệ tiên tiến này mang lại những đóng góp rất lớn cho các công ty, giúp họ tái hình dung cách quản lý những tài sản hữu hình và kỹ thuật số. Các hệ thống sử dụng công nghệ Blockchain không những giúp đảm bảo độ bảo mật, giảm chi phí giao dịch mà còn thực sự tăng tốc độ xử lý. Nhờ loại bỏ được các đơn vị trung gian và thiết lập giao dịch trên sổ cái phân tán chung, các sổ cái ứng dụng công nghệ Blockchain có thể xử lý giao dịch gần như ngay lập tức. Trong năm 2022, công nghệ Blockchain cũng như sổ cái phân tán (DLT) được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành nghề khác nhau.
4. Trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Từ những cải tiến đối với cá nhân hóa, xếp hạng kết quả tìm kiếm, đề xuất sản phẩm cũng như hiểu và kiểm soát các thiết bị cho đến ngành công nghiệp tự động hóa, trí tuệ nhân tạo ngày càng được phổ biến rộng rãi và hiện diện thường xuyên trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, bất chấp những tiến bộ về công nghệ, các tổ chức vẫn phải vật lộn với các vi phạm an ninh mạng và Trí tuệ nhân tạo là một giải pháp cho vấn đề tội phạm mạng. Khả năng học và phát hiện các xu hướng mới của trí tuệ nhân tạo có thể tăng tốc độ phát hiện, ngăn chặn và phản ứng với vi phạm an ninh mạng, giúp giảm bớt gánh nặng cho các trung tâm an ninh mạng và cho phép họ chủ động phòng ngừa các trường hợp tội phạm mạng hoành hành.
5. Điện toán đám mây
Trong hai năm gần đây, điện toán đám mây đã bùng nổ khi các tổ chức đều chuyển hướng sang quản lý trực tuyến và tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số. Các giải pháp đám mây dành riêng cho các ngành khác nhau có thể cho phép các công ty tự động hóa các tác vụ thủ công khiến họ trở nên khác biệt hơn so với đối thủ cạnh tranh của mình. Trong năm 2022, ngày càng nhiều doanh nghiệp sẽ bắt đầu xem xét các dịch vụ điện toán đám mây và khoảng 70% công ty sẽ sử dụng nền tảng đám mây lai (hybrid-cloud) hoặc đa đám mây (multi-cloud) như một phần của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phân tán.
6. NFT
NFT, viết tắt của Non-Fungible Token (tài sản không thể thay thế) là một nội dung số được xây dựng trên hệ thống chuỗi khối – blockchain. Bản thân NFT không phải là một tài sản vật lý mà là một loại mã hoá để lưu trữ và giao dịch trên thế giới số. Chính vì thế, NFT được biết đến như là một “dữ liệu” chứa thông tin nhận dạng và xác minh tài sản được lưu giữ trên blockchain, mỗi “mã” đại diện cho một tài sản, mỗi tài sản sẽ sở hữu một chữ ký số riêng biệt và chính vì vậy, nó có tính độc nhất. NFT đã và đang được ứng dụng rộng rãi nhất trong các lĩnh vực số như ảnh, âm nhạc, trò chơi hoặc các nội dung nghệ thuật khác. Bên cạnh đó, tiềm năng của NFT là vô hạn vì nó có thể tồn tại trong nhiều dạng khác nhau, chẳng hạn như bất động sản ảo, một bức tranh, quyền quyết định sử dụng ví tiền mã hóa độc quyền hoặc thậm chí là dạng hình ảnh, âm thanh, chữ viết, video,…