Chị Nguyễn Thị Thu hay mọi người vẫn còn được biết đến với cái tên Zoey, gia nhập NTQ từ 2019 với vai trò là Business Analyst, sau đó chuyển sang vị trí Project Manager. Là một người gần gũi, tích cực, tràn đầy năng lượng nhưng khi vào công việc, chị Thu rất cầu toàn, nghiêm túc, và có tinh thần quyết liệt cao.
Chỉ trong vòng 3 năm, cô gái trẻ sinh năm 1994 đã thăng tiến nhanh chóng lên vị trí BU Leader của BU1 thuộc SDC8, trở thành BU Leader trẻ tuổi nhất tại NTQ. Chị đã và đang phụ trách nhiều dự án trọng điểm trị giá hàng triệu đô của NTQ với các khách hàng thị trường Hàn, Nhật.
Nhân tháng của phụ nữ, hãy cùng lắng nghe “bóng hồng thép” của SDC8 kể lại hành trình dấn thân và tỏa sáng trong lĩnh vực công nghệ đầy ấn tượng của chị nhé.
Ít ai biết xuất phát điểm của chị là cử nhân ngành Tiếng Anh Thương Mại của trường Đại học Ngoại thương. Sau khi ra trường, chị làm biên phiên dịch cho một công ty Ngân hàng – Chứng khoán – Bảo hiểm – Tài chính tích hợp với các hãng công nghệ. Mặc dù không tham gia sâu vào các dự án phát triển phần mềm nhưng chính lần “va chạm” này đã tạo nên sợi dây vô hình giữa chị với ngành IT.
Tự nhận mình là một người “low-tech” nên khi được tiếp xúc với dân kỹ thuật, được nghe về quy trình của dự án phát triển phần mềm, được đọc những tài liệu chuyên sâu về công nghệ, chị cảm thấy vô cùng “thần tượng”. Đi đôi với đó là sự choáng ngợp bởi vô số các thuật ngữ chuyên ngành khác nhau mà lần đầu chị được nghe.
Chị vẫn nhớ như in ngày đầu tham gia “daily meeting” - vốn là một buổi báo cáo công việc hàng ngày ngắn gọn, nhưng sau khi nghe mọi người trao đổi thì chị “không đọng lại nổi một chữ” cho dù trước đó chị rất tự tin về vốn tiếng Anh của mình. Hay khi đọc tài liệu về phát triển phần mềm, dù chị hiểu rõ cấu trúc ngữ pháp của câu nhưng chị vẫn phải tra ngữ nghĩa của từng từ một, từ những thuật ngữ cơ bản như Sprint, API, retro,...
Sau đó một thời gian, dự án kết thúc, chị thử sang vị trí hoàn toàn mới là HR. Nhưng vì vẫn muốn dấn thân vào ngành công nghệ nên chị quyết định ứng tuyển vào BA Fresher cho một công ty IT outsourcing. Tại đây, chị được va vấp với nhiều nhiệm vụ, vừa được đào tạo về BA, vừa được thử sức trở thành sub-PM và PM chính cho nhiều dự án. Những ngày tháng được học, được chỉ dẫn, làm bài tập hay tham gia các “sub-project” như vậy gợi nhớ chị về quãng thời gian còn ngồi trên giảng đường, háo hức khi khám phá ra “vùng đất” mới.
Nếu như những công việc trước cho chị nhìn thấy “vỏ ngoài”, những nền tảng cơ bản về ngành thì NTQ là nơi để chị được mài dũa, đào sâu hơn những kiến thức đó. Có lẽ tinh thần “thép”, khát khao chinh phục luôn chảy trong con người chị nên cho dù được giao một nhiệm vụ nằm ngoài JD, một công việc hoàn toàn mới, chị đều hứng khởi. Chị bật mí bí kíp “giữ lửa” trong công việc là chị nhìn thấy những “cái hay”, sự đa dạng, không bao giờ đơn điệu khi làm việc trong môi trường outsource.
Chị Thu chia sẻ: ”Chỉ riêng làm ở vị trí PM ở một dự án lớn cũng khác một dự án nhỏ, hay với mỗi domain, mình lại được học hỏi những thứ khác nhau. Hoặc thậm chí cùng chung project model, cùng chung domain và cùng chung team member thì mình vẫn thấy có cái hay ho để học. Kể riêng việc giải quyết issue trong dự án thôi cũng giúp mình học được những thứ mới.”
Trước guồng quay công việc dày đặc, chị nửa đùa nửa thật: “Với mình, không có khái niệm cân bằng công việc - cuộc sống”. Chị quan niệm nếu như lựa chọn cân bằng, “cân đo” mọi thứ đồng đều nhau, cho dù đó là thời gian dành cho công việc hay các mối quan hệ thì tất cả sẽ chỉ ở mức “vừa đủ”. Mọi việc xảy ra với chị, mọi quyết định đều được chị phân tích một cách logic, đặt lên bàn cân để cân nhắc cái nào cần ưu tiên vào từng thời điểm. “Nếu đặt nó vào một chiếc bao, đưa cho nó một hạn mức, san sẻ mọi thứ đồng đều thì kết quả bạn nhận được cũng trả lại đúng giới hạn của nó”, chị Thu chia sẻ.
Chị luôn tự hỏi: Nếu như mình dành nhiều thời gian cho công việc thì có ai chăm sóc cho con thay mình không? Nếu mình tan làm, về nhà đúng giờ thì ai ở công ty có thể hỗ trợ, đảm bảo công việc của dự án, đơn vị trôi chảy? Nếu như có trường hợp bất trắc, ai sẽ thay mình giải quyết sự việc?
Chắc chắn người mẹ nào cũng muốn dành thời gian cho con nhiều nhất có thể. Chị Thu cũng không là ngoại lệ. Chị vẫn cảm nhận được sự quấn quýt của mấy đứa nhỏ khi chị ở bên. Nhưng chị biết vẫn có “anh nhà” và bố mẹ là hậu phương, ủng hộ chị trong mọi chặng đường để chị có thể an tâm xây dựng sự nghiệp. Chính gia đình là nền tảng vững chắc để chị tiếp tục tình yêu với nghề và hoàn thành hai chữ “trách nhiệm” với đơn vị, với công ty.
Kể cả với những chuyến công tác, chị Thu sẵn sàng “đánh đổi” vì mục tiêu chung, “sứ mệnh” lớn hơn cả. Chị không coi những chuyến công tác là chỉ để hoàn thành nhiệm vụ giải quyết được giao đơn thuần mà còn mang một giá trị quan trọng hơn, là đại diện cho cả công ty.
Chẳng hạn, đối với chuyến thăm khách hàng bên Hàn trong giai đoạn mới ký kết, mục tiêu của chị là chứng minh vị thế, uy tín của NTQ khi tham gia vào một dự án lớn, tạo sự tin tưởng cho hai bên. Với chuyến sang Mỹ vào thời điểm dự án go live, mục tiêu là để thể hiện vai trò đồng hành của NTQ với khách hàng, sẵn sàng hỗ trợ họ tối đa tại những mốc quan trọng. Mục tiêu chuyến sang Hồng Kông trong giai đoạn thương thảo là nhằm mong muốn thể hiện tinh thần hợp tác, được đóng góp một phần giá trị cho khách hàng vào giai đoạn khai phá thị trường.
Ngoài ra, sau mỗi chuyến công tác đó, chị cũng “gặt hái” thêm bài học mới về thị trường, về cách các doanh nghiệp trên thế giới vận hành.
Khi nhắc lại về một chặng đường phát triển không ngừng, chị Thu khiêm tốn: “Mình chẳng thấy có thành tích gì cả. Khi nghĩ lại quá trình làm việc, mình chỉ thấy may mắn và biết ơn. Mọi chuyện từ khi đi học cho đến đi làm đều thuận theo những cách mình mong muốn và thích thú. Cho dù có những việc mình không lường trước nhưng những cơ hội đó, hay kết quả từ nó đều khiến bản thân mình hài lòng.”
Định nghĩa “thành tích” với chị Thu không phải kết quả của cá nhân, cũng không phải một chiến thắng vẻ vang, ký kết hợp đồng lớn mà chị trân trọng những “small win” của tập thể. Chẳng hạn như khi team golive hệ thống thành công, đạt được một cột mốc nào đấy cho khách hàng. Hay đơn giản là nhìn thấy gương mặt hứng khởi của anh chị em trong đơn vị vui vẻ làm việc với nhau cũng đủ để chị quên đi những áp lực công việc.
Theo chị, một khi dành trọn tâm huyết, trái tim cho công việc thì mỗi người sẽ nhìn thấy nhiều niềm vui, cơ hội thay vì khó khăn, áp lực. Niềm vui ở đây chính là ý nghĩa đằng sau mà công việc của bản thân mang lại. Nó vượt lên trên những chuyện “cơm áo gạo tiền”, những lợi ích của bản thân mà hướng đến những con người xung quanh như đơn vị, công ty, khách hàng và cộng đồng, xã hội.
Chị Thu vẫn luôn ghi nhớ câu chuyện mà anh Nguyễn Tiến Dũng (COO của NTQ Solution) chia sẻ trong một buổi họp của các quản lý về tầm ảnh hưởng của một dự án. “Nếu dự án không thành công thì người phụ trách dự án bên khách hàng có thể bị sa thải. Như ở bên Nhật - một đất nước có văn hóa làm việc tương đối khắc nghiệt, họ có thể mất đi hoàn toàn mọi cơ hội việc làm chỉ vì một lỗi lầm trước đó. Điều này đồng nghĩa họ sẽ không thể lo được cho gia đình và có thể bị trầm cảm dẫn đến tự tử”, chị Thu kể lại.
Dù tham gia bất kỳ dự án, nhiệm vụ nào, chị cũng suy nghĩ đến công ty, những anh chị em trong BU, đến khách hàng, hay cả những người mà công ty khách hàng tác động đến sẽ được gì, hay nếu có bất trắc thì những ai sẽ bị ảnh hưởng. Đó cũng chính là lời lý giải tại sao chị chấp nhận dành cho công việc nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày.
Được thức tỉnh và được giáo dục là hai cụm từ được chị Thu nhắc đến khi được hỏi về điều chị khiến chị ấn tượng với môi trường làm việc của NTQ.
NTQ “đập bỏ” hoàn toàn những quy tắc của chị trước đây về việc vạch rõ vai vế với khách, giữa công ty và khách hàng là hai phe A và B. Cách làm việc của môi trường cũ của chị Thu là cần làm rõ phải - trái, đúng - sai và bảo vệ lợi ích của công ty là ưu tiên hàng đầu. Cho dù có một phát sinh xử lý mất 4 tiếng hay 8 tiếng thì vẫn cần yêu cầu khách hàng thanh toán chi phí đó.
Nhưng ở NTQ lại khác.
Thời gian đầu khi mới chuyển sang NTQ, chị vẫn giữ tư duy đó để làm việc với khách hàng. Trong một lần làm dự án với khách hàng Sing, sau khi hoàn thành bước kiểm thử (UAT) và thanh toán, khách hàng feedback một CR nhỏ và muốn điều chỉnh. Mặc dù thời gian chỉnh sửa chỉ khoảng 2 - 4 tiếng nhưng chị Thu vẫn theo đúng quy trình, yêu cầu khách hàng xác nhận trả thêm phí mới thực hiện. Kết quả là khách hàng rất bực bội và liên hệ thẳng đến ban lãnh đạo để phàn nàn về vấn đề đó.
Hay trong một dự án ODC, chị cũng rơi vào tình huống khó xử tương tự khi khách hàng thấy có bug sau khi đã hết hạn hợp đồng. Và theo đúng tính chất dự án, điều khoản hợp đồng, chị Thu đã từ chối hỗ trợ để bảo vệ quyền lợi cho công ty.
“Trong suy nghĩ của mình, cách làm như vậy vẫn là đúng bởi hai bên vốn dĩ là mối quan hệ hợp tác làm ăn. Nhưng mình hiểu nếu cứ cứng nhắc như vậy thì về mặt mối quan hệ hai bên sẽ dần xấu đi. Khách hàng sẽ không thoải mái, không hài lòng với bên mình. Có những lúc mình cũng muốn hỗ trợ khách hàng đấy nhưng sếp cũ của mình luôn nói không nên mình vẫn áp dụng cách làm như vậy.”
Ở cả hai sự việc đó, anh Phạm Thái Sơn (CEO) đã trao đổi trực tiếp với chị và mang đến một góc nhìn mới. Anh chia sẻ với chị về vai trò của “người cầu nối” là cần linh hoạt, trung hòa được lợi ích hai bên để duy trì mối quan hệ với khách hàng. “Nếu thời gian hỗ trợ không mất quá nhiều thì mình nên hỗ trợ. Thà bên mình chịu thiệt một chút nhưng mình mang lại cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt, trải nghiệm tốt. Chất lượng sản phẩm mới là thứ cốt lõi mình đưa cho khách hàng chứ không chỉ dừng đến khi hết hợp đồng là thôi hay khách hàng yêu cầu gì thì chỉ làm như vậy”, chị Thu kể lại lời anh Sơn nói khi ấy.
Chính những lần trao đổi với anh Sơn đã giúp chị “vỡ ra” rất nhiều điều. Đó là sự thức tỉnh về tư duy chất lượng, cũng như đặt khách hàng làm trọng tâm. Cuộc trò chuyện cũng xóa đi ranh giới khoảng cách sếp - nhân viên, giúp chị có thêm bài học về cách làm việc và tạo dựng mối quan hệ với khách hàng. Với chị, việc Ban lãnh đạo “làm gương” cùng một loạt chương trình truyền thông nội bộ về giá trị của người NTQ, về sự tử tế, về những giá trị chung của tập thể cũng rất có ý nghĩa, giúp tất cả có cách ứng xử đồng nhất với đồng nghiệp, với cấp trên, với công ty hay cả khách hàng.
-----
*Bài viết thuộc chuỗi: “NTQ Rubik - Phiên bản thú vị về người NTQ ở đa dạng các vị trí công việc trên toàn cầu.”
Là một Global IT Service Provider, mục tiêu của NTQ Solution là tạo ra một môi trường làm việc hội tụ nhiều tài năng công nghệ có cùng đam mê, khát vọng, đoàn kết để sáng tạo và lan tỏa nhiều giá trị. Tại NTQ Solution, chúng tôi cùng nhân viên "tỏa sáng" bằng cách mang đến cho họ một không gian đa dạng, tự do và linh hoạt để rèn luyện các kỹ năng chinh phục thị trường toàn cầu.